Lịch sử hình thành nghề Đá Marble và Granite
Marble là loại đá được hình thành do sự biến chất của các loại đá vôi, đá carbonate hay đá dolomit. Quá trình biến chất tái tinh thể hóa các loại đá trầm tích này để thành các vân tinh thể đá xen kẽ lẫn nhau. Nhiệt độ và áp suất để hình thành đá marble thường phá hủy toàn bộ các hóa thạch và vân đá nguyên thủy. Đá marblelà loại đá được ứng dụng rộng rãi trong ốp lát và trong ngành xây dựng. Trong đó, đá marble trắng là kết quả của sự biến hóa các đá vôi có độ tinh khiết rất cao. Những xoáy, vân đá của những đá marble có màu sắc khác nhau là do nhiều loại kháng chất khác nhau hình thành như đất sét, cát, oxit sắt… thường có nguồn gốc là những hạt hay lớp đá trong đá trầm tích.
Lịch sử hình thành nghề đá:
Việt Nam là quốc gia tiềm năng lớn về đá Granite, đá Marble và được phân bổ ở nhiều tỉnh đặc biệt là tại Thanh Hóa trữ lượng đá vôi kết khối rất tốt. Đó là cơ sở hàng đầu cho sự ra đời và phát triển của làng nghề đá Thanh Hóa. Các tài liệu do người Pháp, Liên Xô (trước đây) đã khẳng định điều này.
Làng nghề đá Đông Sơn, Thanh Hóa có lịch sử hình thành và phát triển trên 400 năm, khởi đầu làm mỹ nghệ, đục đẽo điêu khắc. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, được sự giúp đỡ của các nước XHCN như Liên Xô và Tiệp Khắc, Việt Nam đã xây dựng Nhà máy đá hoa An Dương tại Hà Nội và Thanh Hóa phục vụ cho các công trình trọng điểm trong nước như Lăng Hồ Chủ Tịch, Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô.
Thập kỷ 80, các sản phẩm từ đá đã trở thành hàng hóa để Việt Nam cung cấp cho các nước XHCN sau chiến tranh. Từ năm 1987, nghề đá bắt đầu phát triển mạnh ở Làng Nhồi thuộc 2 xã Đông Hưng, Đông Tân huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từ sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước phát triển thành hàng hóa – vật liệu xây dựng tiêu thụ trong nước.
Đến những năm 90, khi Việt Nam đẩy mạnh công cuộc cải cách, mở cửa kinh tế, ngành sản xuất đá vôi ở Thanh Hóa đã mở rộng thị trường xuất khẩu song vẫn còn nhiều khó khăn do công nghệ lạc hậu.
Năm 1999, một số nhà thương mại Hà Lan đã đưa một loại sản phẩm mới đến làng nghề được làm từ đá xanh đen (bluestone) – một loại nguyên liệu rất sẵn có ở Thanh Hóa. Kể từ đó, làng nghề Thanh Hóa tập trung sản xuất và xuất khẩu đá ốp lát theo tiêu chí của khách hàng Châu Âu, tập trung chủ yếu vào thị trường Bỉ, Hà Lan và một số nước khác.
Ngày nay nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, công nghệ khai thác và chế biến cũng ngày càng được đầu tư đổi mới. Mặt hàng đá xanh đen (bluestone) của Thanh Hóa được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng và đã có thương hiệu tại thị trường một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu.